Anh chị hãy viết bài văn phân tích tình cảm nhân đạo trong tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

Discussion in 'Văn Học Lớp 11' started by adminbao, Nov 9, 2014.

  1. adminbao

    adminbao Administrator Staff Member

    Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức và nhân cách của người cộng sản. Một trong những giá trị nổi bật của tác phẩm chính là tinh thần nhân đạo rộng lớn, sâu xa. Tình cảm nhân đạo của Bác bắt nguồn từ truyền thống đạo lí Thương người như thể thương thân của dân tộc ta từ bao đời nay. Điểm nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chủ tịch là lòng thương người. Chính lòng thương người đã thúc đẩy Bác ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước thoát khỏi đêm dài nô lệ của phong kiến, thực dân.

    Dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, trái tim nhân ái của Bác cũng hướng tới con người với những vui buồn muôn thuở. Bác xót xa khi nghe tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong ngục tối. Chế độ nhà tù dã man bắt giam cả những em bé vô tội:

    Oa! Oa! Òa!
    Cha trốn không đi lính nước nhà.
    Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
    Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
    (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)

    Chứng kiến cảnh người vợ đến thăm chồng trong tù, Bác xót xa thay cho họ:

    Anh đứng trong cửa sắt,
    Em đứng ngoài cửa sắt.
    Gần nhau trong tấc gang,
    Mà biển trời cách mặt.
    … Chưa nói lệ tuôn đầy,
    Tình cảnh đáng thương thật!
    (Vợ người bạn tù đến thăm chồng)

    Bị giam cầm chung với đủ loại người, Bác quan tâm và thông cảm với từng số phận éo le. Bác ngậm ngùi trước cái chết tội nghiệp của một người tù cờ bạc: Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sớm nay anh đã về nơi suối vàng. Bác chia sẻ nỗi khổ của những người tù nghèo luôn phải sống trong đói khát, đọa đày: Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo nước mắt bọt mồm tuôn.



    Tình thương yêu của Bác bắt nguồn từ tình thương yêu giai cấp, dân tộc và nhân loại của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Bác dành trọn lòng ưu ái cho người lao động phải vất vả, nhọc nhằn kiếm sống. Trên đường bị áp giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, Bác quên nỗi đau đớn của bản thân và bày tỏ sự thông cảm đối với những người phu làm đường lam lũ:

    Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,
    Phu đường vất vả lắm ai ơi.
    Ngựa xe, hành khách thường qua lại,
    Biết cảm ơn anh được mấy người ?
    (Phu làm đường)

    Mặc dù sống trong cảnh tù đày nơi đất khách, Bác vẫn coi những người nông dân ở đây như ở quê hương, đất nước mình. Bác vui cùng họ niềm vui được mùa:

    Khắp chốn nông dân cười hớn hở,
    Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.
    (Cảnh đồng nội)

    Chia sẻ nỗi buồn với họ lúc mất mùa:
    Nghe nói năm nay trời đại hạn,
    Mười phân thu hoạch chỉ vài phân.
    (Từ Long An đến Đồng Chính)

    Trong chốn lao tù, Bác đã trải qua bao khổ cực tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhiều đêm, thân thể Bác bị đau đớn vì xiềng xích, gông cùm còn tinh thần thì băn khoăn, day dứt bởi suy nghĩ về tình cảnh đất nước, về nỗi đau vô tận của con người. Tình thương giúp Bác tăng thêm nghị lực để chiến thắng gian nan, thử thách và củng cố lòng tin vững chắc vào thiên lương của con người. Bác khẳng định :

    Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,
    Phần nhiều do giáo dục mà nên.
    (Nửa đêm)

    Trái tim nhạy cảm của Bác dễ dàng rung động trước những trạng thái tình cảm thật tinh vi, tế nhị của con người. Nghe tiếng sáo của người bạn tù, Bác nhận ra trong đó nỗi nhớ quê hương tha thiết và một nỗi buồn khôn tả. Bác âm thầm chia sẻ nỗi niềm tâm sự ấy và trí tưởng tượng bay bổng của Bác còn hình dung ra cảnh ở nơi xa xôi nào đó, có người thiếu phụ cô đơn đang bồi hồi ngóng trông chồng, cố bước lên cao thêm một tầng lầu nữa để nghe cho rõ tiếng người thân:

    Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
    Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu.
    Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
    Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
    (Người bạn tù thổi sáo)

    Qua Nhật kí trong tù, chúng ta thấy tình thương của Bác Hồ đối với con người thật rộng lớn và sâu sắc. Tình yêu thương mênh mông như trời biển ấy ôm trùm lên cỏ cây, sông núi và nhân loại. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: Bác ơi tim Bác mênh mông thế, Ôm cả non sông mọi kiếp người. (Theo chân Bác).
     

Share This Page