Ebook truyện Người Thầy Đầu Tiên -Aitmatov (tiếng việt)

Discussion in 'Ebook Ngôn Tình + Truyện' started by adminbao, Dec 11, 2012.

  1. adminbao

    adminbao Administrator Staff Member

    [​IMG]Đối với mỗi người, thời niên thiếu là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Và trong những ngày chập chững bước đi đầu tiên ấy, người ta sẽ không thể nào quên những bàn tay đã dìu dắt họ đi trên con đường kiến thức của nhân loại. “Người thầy đầu tiên” của tác giả Aimatốp là một tác phẩm nằm trong dòng cảm xúc đó…Xuyên suốt tác phẩm là lời kể gián tiếp của người hoạ sĩ xen lẫn với lời kể của nhân vật Antưnai Xulaimanôvna về hồi ức cuộc đời Bà trong những năm sau Cách Mạng Tháng Mười Nga. Nước Nga bấy giờ bắt đầu một cuộc sống mới cũng như những con người Nga bắt đầu một cuộc đời mới.

    Trong một dịp trở về làng quê Kurkurêu mừng khánh thành ngôi trường trung học– nơi mà Antưnai đã từng trãi qua thời thơ ấu đắng cay nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm, Bà đã thật sự xúc động về những ký ức xa xưa. Khi đó, Antưnai đã may mắn gặp và nhận được sự dạy dỗ của thầy Đuysen… Câu chuyện là một nỗi hàm ơn của người trò nhỏ đối với người thầy giáo trẻ và lồng vào đó là những tình cảm mới chớm của một trái tim yêu bé bỏng. Nhưng tất cả làm người ta gợi nhớ đến những tình cảm thiêng liêng của người thầy giáo cao thượng nhân từ.Đối với cả hai thầy trò, hai cây phong như tấm “bùa hộ mệnh” đã giúp cho họ vượt qua tất cả. Thật vậy, thầy đã từng nói với cô bé mồ côi này lời những động viên tinh thần thiêng liêng nhất: “Antưnai, bây giờ thầy với em cùng làm chung một việc. Hai cây phong này thầy mang về cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thành đạt”.Xuất hiện trong tác phẩm là hình ảnh hai cây phong trên ngọn đồi của ngôi làng, đây là biểu tượng thể hiện sự mạnh mẽ kiên trì của dân tộc Nga, một dân tộc không “khom lưng khuất phục”.

    Vì thế, cả thầy Đuysen và Antưnai đều cảm thấy có một sự gắn kết – sự gắn kết giữa hai thế hệ người.

    Và vượt lên trên những ý nghĩa ấy, hai cây phong là hiện thân cho sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã cống hiến tất cả tuổi thanh xuân của mình cho quê hương. Trãi qua bao năm tháng, cây phong lớn lên như chính sự đóng góp của người thầy vào sự nghiệp giáo dục, “vun trồng” những tài năng cho nước Nga. Chúng còn là một chứng nhân của lịch sử trong những ngày làng Kurkurêu còn chìm đắm trong hủ tục lạc hậu tối tăm, nó đè nặng lên đời sống của dân làng những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười Nga...

    Chính vì những ý nghĩa ấy mà trên ngọn đồi của làng Kurkurêu, người ta vẫn luôn nhớ hai cây phong, nơi ấy được xem là ngôi trường nhỏ của thầy giáo Đuysen.

    Người thầy giáo mà cô học trò Antưnai nhớ lại, bây giờ lại là một ông lão già đưa thư cho dân làng. Dường như suốt cuộc đời này, thầy chỉ biết cống hiến tất cả cho đất nước. Thật chua xót khi không mấy người hiểu rằng, thầy Đuysen đã làm những việc thật cao cả. Antưnai đã day dứt trong lòng về điều này khi Bà nghĩ đến mình và đến người thầy đầu tiên ấy: “Tôi nghĩ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là lứa tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này”.

    Tấm lòng cao cả của người thầy đã vực Antưnai đứng lên khỏi cuộc đời giông tố mà ở lứa tuổi của em lẽ ra Antưnai sẽ không bị dày vò như thế. Thầy Đuysen đã cứu đứa trẻ mồ côi vượt qua cơn khủng hoảng về thể xác và tinh thần khi chỉ mới 15 tuổi, em đã phải trao thân cho một gã phàm phu…

    Sức sống mạnh mẽ và ý thức vượt qua số phận của Antưnai đã trỗi dậy từ những năm tháng mà thầy Đuysen vun đắp. Nhưng đúng hơn, sức sống ấy đã bén rễ vào lòng cô bé Antưnai khốn khổ ngay từ buổi đầu tiên: “…chỉ biết là tôi vẫn thấy muốn làm một việc gì đó để cảm ơn con người thật ra không quen biết ấy, để đền đáp lại nụ cười đã sưởi ấm lòng tôi, đền đáp mấy câu nói nhân từ ấy”.

    Thầy Đuy sen đối với Antưnai không những là người thầy mà còn là một người ơn.

    Giờ đây “Antưnai Xulaimanôvna - Người đàn bà đồng hương nổi tiếng của chúng tôi làm chủ nhiệm bộ môn ở trường đại học tổng hợp, lên lớp giảng triết học, làm việc ở viện hàm lâm, hay đi ra nước ngoài luôn”, Bà đã thành đạt trong cuộc sống đúng như ước nguyện ngày nào của thầy Đuysen. Và hơn thế nữa, những người học trò khác của thầy giáo Đuysen tự hào là những Hồng quân Xô Viết dũng cảm…

    Âu cũng là một niềm vui không kể xiết của người thầy đã hy sinh âm thầm trong bao năm. Chắc hẳn khi biết được điều ấy, nó sẽ là nguồn an ủi cho thầy Đuysen trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Thật sự, người thầy giáo của chúng ta đã thành công, thầy đã làm được một điều cao quý nhất của người thầy, đó là hoàn thành sự nghiệp trồng người…

    Ra đời vào những năm 1961, tác phẩm “Người thầy đầu tiên” đã gây được tiếng vang lớn khi nhận một giải thưởng danh dự “Giải thưởng Lênin”. Từ đó cho đến bây giờ, “Người thầy đầu tiên” không ngừng làm rung động trái tim của biết bao đọc giả…

    Với giọng văn nhẹ nhàng nhưng góc cạnh, Aimatốp đã xây dựng một làng quê nghèo ở Nga thanh bình nhưng dữ dội. Lối sống Nga bấy giờ cần có một sự thay đổi lớn. Và những người góp công sức đầu tiên ấy là những người thầy với trái tim yêu nước nồng cháy - những Hồng quân Liên Xô đáng tự hào của nước Nga. Tất cả đều hướng về người lãnh tụ Lênin vĩ đại.

    Antưnai Xulaimanôvna là đại diện cho một lớp người sống trong buổi giao thời ấy. Bà đã lớn lên từ trong sự nghèo nàn và lạc hậu. Antưnai Xulaimanôvna đã vượt lên trên số phận và vững tin vào tương lai. Có thể nói, câu chuyện được dẫn dắt đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ nô lệ tinh thần đến tự do cá nhân. Thật vậy, câu nói của thầy Đuysen đã nhắc cho người Nga nhớ đến sự thay đổi ấy: “Mày tưởng đã giày xéo lên Antưnai như xéo lên đám cỏ dại hẳn, mày tưởng đã hãm hại được Antưnai?… Mày lầm! Thời của mày đã hết, bây giờ đến thời của Antưnai, cái thời của mày đã mạt kiếp rồi!…”

    Bằng bút pháp lãng mạn nhưng chặt chẽ, “Người thầy đầu tiên” đã làm người ta thú vị khi đọc những dòng miêu tả thật tinh tế. Thiên nhiên Nga chính là tính cách con người Nga. Chúng ta có thể thấy, mỗi cảnh thiên nhiên trong tác phẩm đều là một dự báo về sự việc sắp xảy ra cho nhân vật “Có lẽ đó chính là mùa xuân đầu tiên trong thời niên thiếu của tôi. Dù sao đối với tôi nó cũng vẫn đẹp hơn tất cả các mùa xuân trước. Đứng ở trường chúng tôi, từ trên đỉnh đồi, có thể nhìn thấy cả thế giới tươi đẹp của mùa xuân mở rộng ra trước mắt”…Thật sự, đây là những dòng chữ miêu tả sự thay đổi tâm hồn Antưnai, dự báo một điều sắp xảy ra cho người thiếu nữ chớm xuân…Và câu chuyện về một người thầy xen lẫn với tình cảm của một tình yêu, điều đó đã khiến tác phẩm vừa mang ý nghĩa cao quý lại vừa không thoát ra khỏi cuộc sống của đời thường. Chính vì vậy, tác phẩm đã không là một món quà xa xỉ đối với người đọc bao thế hệ.

    Người thầy đầu tiên trong đời của các cô cậu nhỏ như Antưnai Xulaimanôvna - Người thầy đầu tiên của chính quyền Xô Viết “không được bao nhiêu chữ nghĩa, khi đọc còn phải đánh vần một cách chật vật, trong tay không có lấy một quyển sách giáo khoa, ngay đến cả sách vỡ lòng cũng không có” thế mà một thời là tinh hoa của dân tộc Nga, mãi mãi họ sẽ luôn tự hào về những con người này cùng với tác phẩm “Người thầy đầu tiên” .

    “Người thầy đầu tiên” sẽ vẫn là một bản trường ca bất hủ về lòng tôn kính những người thầy tận tuỵ với sự nghiệp giáo dục con người.

    Chúng ta có thể dẫn lời của nhân vật Antưnai: “Mỗi lời thầy giảng, mỗi chữ thầy viết – tất cả đối với tôi đều thiêng liêng” thay một lời tri ân chân thành đến với tất cả thầy cô giáo.
    [DOWN]https://drive.google.com/file/d/0B15Sf9s9tkZDSVlka3VPY2haLTA/edit?usp=sharing[/DOWN]
     
    Last edited: Nov 1, 2013

Share This Page